Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng là nơi lưu giữ các di sản quý báu của Vương quốc Chăm Pa cổ, là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê văn hoá và lịch sử. Khi tham quan bảo tàng này, du khách sẽ có cơ hội khám phá nghệ thuật điêu khắc Chăm và chiêm ngưỡng các hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm. Ngoài ra, đây cũng là một trong những địa điểm check-in được yêu thích nhất tại Đà Nẵng. Hãy cùng D&K Travel khám phá bảo tàng đầy ấn tượng này nhé!

Giới thiệu về bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng

Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng, tên đầy đủ là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa, còn được biết đến với tên gọi Cổ viện Chàm. Đây không chỉ là nơi lưu trữ và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà còn là một kho tàng lịch sử về văn hóa của quốc gia Chăm Pa từng hưng thịnh. Bảo tàng hiện đang sở hữu bộ sưu tập hơn 400 tác phẩm điêu khắc Chăm Pa, có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ XV, bao gồm tượng thần, phù điêu, và nhiều di vật kiến trúc khác.

Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng tọa lạc ở địa chỉ số 2 đường 2/9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng nằm tại ngã tư đường 2/9 và đường Trưng Nữ Vương, đối diện với Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cách cầu Rồng khoảng 100m. Với vị trí thuận lợi và khu vực gửi xe máy, đỗ xe ô tô công cộng, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến bảo tàng bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, hoặc taxi.

Giờ mở cửa của bảo tàng:

  • Buổi sáng: từ 7h30 đến 11h00 hàng ngày, kể cả các ngày Lễ, Tết
  • Buổi chiều: từ 13h00 đến 17h00 hàng ngày, kể cả các ngày Lễ, Tết

Giá vé vào cổng:

  • Người lớn: 60.000 VNĐ/người/lần
  • Học sinh/sinh viên: 10.000 VNĐ/người/lần (cần xuất trình thẻ học sinh/sinh viên)

Lịch sử xây dựng bảo tàng

Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng được xây dựng trong 4 năm và đã trải qua nhiều lần mở rộng, nâng cấp trong quá trình hoạt động. Dưới đây là chi tiết về từng giai đoạn xây dựng và phát triển của bảo tàng Chăm Đà Nẵng:

  • Năm 1892: Henri Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp, bắt đầu thu thập các tác phẩm điêu khắc Chăm tại khu vực Đà Nẵng và vùng lân cận.
  • Năm 1902: Henri Parmentier đề xuất dự án xây dựng Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng.
  • Năm 1915: Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng bắt đầu khởi công xây dựng.
  • Năm 1919: Bảo tàng chính thức khánh thành với 160 cổ vật điêu khắc được trưng bày.
  • Năm 1930: Bảo tàng tiến hành mở rộng lần đầu theo thiết kế của kiến trúc sư J.Y. Gourret nhằm tăng diện tích trưng bày cho các hiện vật được thu thập trong những năm 1920 – 1930.
  • Năm 1950: Bảo tàng tiếp tục mở rộng diện tích, các sảnh được bố trí hài hòa với kiến trúc nguyên thủy. Nguyễn Xuân Đồng được bổ nhiệm làm giám đốc bảo tàng.
  • Năm 2002: Bảo tàng xây dựng thêm một tòa nhà 2 tầng với diện tích trưng bày khoảng 2000m² và 500m² kho ở phía sau để trưng bày các hiện vật thu thập sau năm 1975.
  • Năm 2005: Bảo tàng lên kế hoạch cải tạo và khánh thành Phòng trưng bày Mỹ Sơn và Đồng Dương.
  • Năm 2009: Hoàn thành việc cải tạo Phòng trưng bày Mỹ Sơn và Đồng Dương theo kế hoạch nâng cấp bảo tàng năm 2005.
  • Năm 2011: Bảo tàng được xếp vào danh sách những bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam.
  • Năm 2023: Bảo tàng khai mạc Phòng trưng bày Văn hóa Chăm và nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng.

Các phòng trưng bày ở bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng

Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng có tổng cộng 10 phòng trưng bày, mỗi phòng được thiết kế theo một chủ đề riêng, trưng bày các cổ vật đặc trưng của văn hóa Chăm. Dưới đây là một số thông tin về từng phòng và những cổ vật tiêu biểu:

Phòng trưng bày Trà Kiệu

Phòng trưng bày Trà Kiệu tại Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng lưu trữ các hiện vật được khai quật từ di tích Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các hiện vật được trưng bày tại đây bao gồm các mảnh vỡ của Đài thờ, Vinsu, Linga, và một số phù điêu trang trí khác.

Đặc biệt, Đài Thờ Trà Kiệu là một trong 9 bảo vật quốc gia được lưu giữ ở Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng từ năm 2012. Phần lớn các hiện vật trong phòng trưng bày này đều có niên đại từ thế kỷ X – XI, thuộc văn hóa Champa. Những tác phẩm điêu khắc đá ở đây nổi bật với nghệ thuật sống động, mềm mại, và sự đa dạng trong động tác cũng như trang phục.

Phòng trưng bày Mỹ Sơn

Phòng trưng bày Mỹ Sơn tại Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng lưu trữ các hiện vật như đản sinh Brahma, đài thờ, và nhiều cổ vật khác, tất cả đều phản ánh đời sống tu hành của các đạo sĩ Chăm theo Ấn Độ giáo. Đặc biệt, đài thờ tại phòng này là cổ vật duy nhất hiện được tìm thấy, minh họa cho khía cạnh tâm linh của văn hóa Chăm Pa.

Tất cả các hiện vật trong phòng trưng bày Mỹ Sơn đều được khai quật vào những năm 1903 – 1904 tại Mỹ Sơn, một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của Champa. Trong số đó, Đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những hiện vật tại đây tiêu biểu cho nhiều phong cách nghệ thuật Chăm Pa, bao gồm điêu khắc kiến trúc ngôi tháp, các vị thần, và các khung cảnh sinh hoạt.

Phòng trưng bày Đồng Dương

Phòng trưng bày Đồng Dương là nơi lưu giữ các tượng bồ tát và đài thờ Đồng Dương, được phát hiện vào năm 1902 tại Đồng Dương, trung tâm Phật giáo của vương quốc Champa. Đài thờ Đồng Dương đã được nhà nước công nhận là một trong những bảo vật quốc gia. Các hiện vật tại đây có niên đại từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X, là những tác phẩm điêu khắc Phật giáo mang phong cách độc đáo của nghệ thuật Champa, đậm chất bản địa. Ngoài ra, những tác phẩm này cũng chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật của các nước lân cận như Trung Hoa, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Phòng trưng bày Tháp Mẫm

Phòng trưng bày Tháp Mẫm là khu vực trưng bày các hiện vật như tượng Brahma, tượng Rồng, tượng Gajasimha, và các bộ phận trang trí kiến trúc bằng đá, được khai quật vào các năm 1934 và 2011 tại di tích Tháp Mẫm, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Những hiện vật này có niên đại từ thế kỷ XII – XIII, và đặc trưng bởi những đường nét điêu khắc phức tạp, tỉ mỉ, mang tính khuôn mẫu, ít có nét mềm mại, uyển chuyển. Đặc biệt, tượng Gajasimha là một trong những bảo vật quốc gia được trưng bày tại bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Phòng trưng bày Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế

Phòng trưng bày Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là nơi lưu giữ các tượng Bồ tát và văn bia có niên đại từ thế kỷ IX – X, được khai quật vào năm 2001 tại vùng cực bắc của Champa xưa. Những hiện vật này được điêu khắc theo phong cách nghệ thuật Đồng Dương, với phần khuôn mặt và thân mình của tượng toát lên vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ Champa.

Phòng trưng bày Đà Nẵng

Phòng trưng bày Đà Nẵng là nơi trưng bày các bảo vật quốc gia, bao gồm tượng Siva có niên đại từ thế kỷ X. Những hiện vật này được sưu tầm trước năm 1975 từ các di tích Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương, và trong giai đoạn 2012 – 2014 từ di tích Phong Lệ, Cấm Mít. Các tượng Siva ở đây được điêu khắc theo hình thức phù điêu hoặc bán phù điêu, với những đường nét uyển chuyển và mềm mại, mang nét đặc trưng riêng biệt, khác với vẻ mạnh mẽ thường thấy trong nghệ thuật Ấn Độ.

Phòng trưng bày Quảng Nam

Phòng trưng bày Quảng Nam chủ yếu trưng bày các hiện vật được khai quật từ đầu thế kỷ XX và sau năm 1975 tại tỉnh Quảng Nam, bao gồm tượng Krishna và đài thờ. Những hiện vật này có niên đại từ thế kỷ X và thể hiện phong cách nghệ thuật điêu khắc đặc trưng của nhiều thời kỳ phát triển của Champa.

Phòng trưng bày Quảng Ngãi

Phòng trưng bày Quảng Ngãi chủ yếu trưng bày các hiện vật được phát hiện bởi các nhà khảo cổ vào đầu thế kỷ XX tại tỉnh Quảng Ngãi, như Phú Thọ, Cổ Lũy, Đông Phúc, và Châu Sa. Các hiện vật, bao gồm tượng nữ thần Durga và tượng vũ nhạc cung đình, đều có niên đại từ thế kỷ XI và phản ánh sâu sắc tinh thần tín ngưỡng cũng như văn hóa của vương quốc Chăm.

Phòng trưng bày Bình Định – Kon Tum

Phòng trưng bày Bình Định – Kon Tum lưu trữ các hiện vật được phát hiện vào năm 1934 và 2011 tại Bình Định, nơi hiện vẫn có những ngôi tháp Chăm còn đứng vững. Hầu hết các hiện vật trong phòng này có niên đại từ thế kỷ XII trở về sau. Một hiện vật đặc biệt là bệ thờ, thể hiện chế độ xã hội mẫu hệ và tập tục thờ cúng Nữ Thần Mẹ Xứ Sở của vương quốc Chăm.

Phòng trưng bày Văn Khắc

Phòng trưng bày Văn khắc là khu vực tập trung các bia đá thuộc niên đại thế kỷ VII, được phát hiện vào năm 1903 tại Tháp Mỹ Sơn B6, Quảng Nam và chuyển về bảo tàng vào năm 1918. Các bia đá này được khắc văn khắc Chămpa, cung cấp thông tin về đời sống xã hội và tín ngưỡng, việc xây dựng và trùng tu đền tháp, cũng như mối quan hệ của vương quốc Chăm với các nước láng giềng.

Khu vực chuyên đề ở bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng

Gốm Sa Huỳnh – Chăm Pa

Gốm Sa Huỳnh – Champa là khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chế tác gốm Sa Huỳnh và Champa, với hầu hết hiện vật được khai quật vào năm 1909. Gốm Sa Huỳnh, một trong những yếu tố quan trọng trong nền văn hóa Sa Huỳnh, được cho là có sự tiếp nối với nền văn hóa Champa ở miền Trung từ thế kỷ III trở về sau.

Các hiện vật gốm Champa kế thừa các đặc tính từ gốm Sa Huỳnh, bao gồm chất liệu, độ nung, và màu sắc. Gốm Champa không chỉ là vật liệu xây dựng thông thường mà còn là biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc Champa. Ngoài việc sử dụng để lợp mái và lót nền, gốm Champa còn được dùng để trang trí nhiều chi tiết kiến trúc, góp phần tạo nên vẻ đẹp tinh tế và ấn tượng cho các công trình.

Văn hóa Chăm Ninh Thuận

Khu vực lưu trữ này của Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng tập trung vào các hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Champa, bao gồm nhạc cụ, trang phục, lễ hội và đời sống hàng ngày. Ngoài ra, khu vực này còn trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc và hội họa về văn hóa Chăm, đặc biệt là các tác phẩm của tác giả Đàng Năng Thọ.

Khu trưng bày ảnh

Khu vực trưng bày ảnh mở cửa vào năm 2019 để kỷ niệm 100 năm Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng chính thức khai trương. Khu vực này trưng bày hơn 250 bức ảnh ghi lại những hoạt động tiêu biểu trong suốt 100 năm hình thành và phát triển của bảo tàng, được sắp xếp theo từng chủ đề và trình tự thời gian như sau:

  • Các hiện vật được người Pháp đem về và đặt tại công viên Tourane (Đà Nẵng) trước khi xây dựng bảo tàng vào năm 1915.
  • Hình ảnh phòng trưng bày và tòa nhà bảo tàng ban đầu, nhà kho bảo quản hiện vật, các vị khách tham quan, và các phương pháp vận chuyển và bảo quản hiện vật trong giai đoạn 1916 – 1935.
  • Quá trình cải tạo và mở rộng bảo tàng trong các giai đoạn 1935 – 1936, 2002 – 2009, 2016 – 2017.

Khu trưng bày kho mở

Vào năm 2019, khu trưng bày kho mở của Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng được khai trương với 47 hiện vật, nhằm mục đích tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng và nghiên cứu nhiều hiện vật hơn tại bảo tàng. Khu vực này giúp mở rộng trải nghiệm và hiểu biết về các hiện vật của bảo tàng.

Một vài vấn đề cần lưu ý khi tham quan bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng

  • Du khách cần mua vé và xuất trình khi vào Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng.
  • Không tự ý chạm vào các hiện vật được trưng bày.
  • Không mang hành lý kích thước lớn vào bảo tàng; hành lý xách tay cần gửi tại quầy.
  • Giữ gìn vệ sinh chung và không gây mất trật tự trong quá trình tham quan.
  • Không mang theo các vật dụng nguy hiểm hoặc dễ gây cháy nổ vào bảo tàng.
  • Lựa chọn trang phục gọn gàng và lịch sự khi đi tham quan.

Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng không chỉ là một điểm du lịch và tham quan thông thường mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật và văn hóa quý giá của vương quốc Champa. Nếu bạn yêu thích nghiên cứu các giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời, đây là địa điểm lý tưởng để bạn chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật của người Chăm cổ xưa. Ngoài ra, gần Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng, bạn có thể tham quan các địa điểm sau: Cầu Rồng, Cầu Sông Hàn, Bảo tàng Đà Nẵng, Chợ Hàn,…Những điểm tham quan này nằm gần nhau, tạo thuận lợi cho việc khám phá Đà Nẵng trong cùng một chuyến đi.

Tin tức liên quan

Trải nghiệm Đà Nẵng về đêm khi du thuyền trên sông Hàn
Điểm đến
Trải nghiệm Đà Nẵng về đêm khi du thuyền trên sông Hàn
Trải nghiệm du thuyền trên sông Hàn ngắm cảnh thành phố về đêm thơ mộng luôn thu hút du khách mỗi khi đến Đà...
Thưởng thức đặc sản cá nục cuốn rau muống Đà Nẵng
Ăn Uống
Thưởng thức đặc sản cá nục cuốn rau muống Đà Nẵng
Cá nục cuốn rau muống là món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Đà Nẵng. Nếu bạn có cơ hội du lịch đến...
Bỏ túi tip chinh phục thác Hòa Phú Thành Đà Nẵng
Điểm đến
Bỏ túi tip chinh phục thác Hòa Phú Thành Đà Nẵng
Thác Hòa Phú Thành nằm tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Với nhiều trò chơi cảm giác mạnh dưới nước vô cùng...
Top những địa điểm picnic Đà Nẵng siêu đẹp
Điểm đến
Top những địa điểm picnic Đà Nẵng siêu đẹp
Khi đến các địa điểm picnic Đà Nẵng, bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Ngoài...