Làng lụa Mã Châu, một làng nghề dệt lụa, trồng dâu nuôi tằm có niên đại hơn 600 năm ở Duy Xuyên, Quảng Nam, nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm tinh tế, đẹp mắt nhờ vào sự phối màu và hoa văn độc đáo. Duy Xuyên, Quảng Nam nằm dọc theo các con sông Thu Bồn, Vu Gia, Bà Rén. Ba con sông này bồi đắp một lượng lớn phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh mẽ. Hãy cùng D&K Travel khám phá ngôi làng truyền thống này nhé!

Đôi nét về làng lụa Mã Châu

Làng Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, nằm trên trục giao thông thuận lợi từ Hội An đến Mỹ Sơn. Làng có hơn 200 hộ dân tham gia vào nghề dệt lụa truyền thống và hàng năm cung ứng một lượng lớn tơ lụa cho thị trường.

Trước đây, lụa Mã Châu là sản vật được chọn để may trang phục cho vua, hoàng hậu, công tần mỹ nữ và quan lại trong triều. Tuy nhiên, với sự bành trướng của lụa tổng hợp, lụa truyền thống Mã Châu dần trở nên mờ nhạt do không thể cạnh tranh về giá cả. Quá trình làm ra một sản phẩm lụa truyền thống đòi hỏi nhiều công sức và chi phí, khiến giá thành không thể bù đắp nổi.

Nhưng không vì thế mà lụa Mã Châu bị lãng quên. Chính sự yêu nghề và không cam tâm để nghề dệt lụa bao đời gầy dựng chết dần, chết mòn đã thôi thúc người dân Duy Xuyên phục dựng lại làng nghề lụa Mã Châu. Nhờ vào sự nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng với nghề dệt lụa, trồng dâu, nuôi tằm, làng nghề đã được hồi sinh một cách thần kỳ, đưa tiếng tăm của sản phẩm vươn xa ra thế giới.

Đôi nét về làng lụa Mã Châu (Nguồn: Sưu tầm)

Lịch sử của làng lụa

Mã Châu là làng nghề truyền thống ở Duy Xuyên, Quảng Nam, nằm dọc bờ sông Thu Bồn, nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, và còn lưu truyền hai câu thơ: “Mã Châu tơ lụa mỹ miều/ Ban mai mắc cửi buổi chiều giăng tơ”. Sự hình thành và phát triển của làng nghề Mã Châu gắn liền với quá trình khai hoang lập làng và hoạt động kinh tế của người dân xứ Quảng. 

Sau khi người Việt thực hiện công cuộc “Nam tiến”, người Chăm bản địa ở đây đã biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm, được thể hiện qua những tấm vải thổ cẩm với họa tiết Chăm đặc trưng. Do đó, có thể nói làng nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa Mã Châu ngày nay là sản phẩm được kết tinh từ những tinh hoa của hai nền văn hóa Việt – Chăm.

Làng nghề Mã Châu là sự hợp thành của bốn làng: Mã Đông, Mã Tây, Mã Thành, Mã Thượng, nên còn được gọi là làng nghề Tứ Mã. Được hình thành từ thế kỷ XVI, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, làng nghề Mã Châu chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều.

Tơ lụa Mã Châu có mặt ở thị trường nhiều nước ở châu Âu và Đông Nam Á kể từ khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu qua cảng thị Hội An. Trong chiến tranh, hầu hết người Mã Châu phải ly quê vào Nam, tạo nên làng dệt ở Ngã Tư Bảy Hiền – Sài Gòn, số còn lại hoặc bám trụ hoặc ra Đà Nẵng.

Tại làng Cổ Mân, quận Ba, Đà Nẵng có đến 100 hộ định cư, hình thành nên làng dệt Mã Châu. Tuy nhiên, dù ở đâu, người Mã Châu vẫn giữ được hồn vía của một làng nghề có đến hàng trăm năm tuổi. Người Mã Châu đi đâu cũng luôn tự hào và ghi nhớ về công đức của tổ tiên khai nghiệp.

(Nguồn: Sưu tầm)

Các công đoạn làm nên lụa Mã Châu

Để có những thước lụa mềm mại, quyến rũ và tạo ra những bộ trang phục sáng bóng, sang trọng, người thợ phải toàn tâm toàn ý thực hiện các công đoạn: ươm tơ, dệt lụa, tẩy và nhuộm. Tất cả nhằm mang đến cho du khách những sản phẩm hoàn hảo nhất. Hãy cùng D&K Travel tìm hiểu quy trình làm ra sản phẩm lụa Mã Châu khó khăn, vất vả như thế nào nhé!

Nuôi tằm

Công đoạn nuôi tằm là quan trọng nhất trong quá trình sản xuất tơ lụa. Mùa xuân và mùa thu là hai thời điểm thích hợp nhất trong năm để nuôi tằm, vì những tháng này thời tiết mát mẻ, nhộng tằm phát triển rất tốt. Con tằm bắt đầu nhả tơ từ 23-25 ngày và trải qua 4 lần lột xác.

Thức ăn chính của tằm là lá dâu, được trồng ở vùng đất có phù sa màu mỡ, không bị ô nhiễm. Sau 3 tuần, tằm phát triển hoàn thiện và ăn rất nhiều. Lúc này, tằm có màu vàng và bò đến nơi thích hợp để nhả tơ và tạo kén.

(Nguồn: Sưu tầm)

Làm kén, nhả tơ

Tằm nhả tơ từ ngoài vào trong để định hình tổ kén. Trong 4 ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể, nhả tơ quấn quanh mình tạo thành kén.

Tơ là một dạng sợi protein lỏng, nhớt và trong suốt do tuyến nước bọt của tằm tiết ra. Khi tiếp xúc với không khí, chất lỏng này sẽ đông đặc lại tạo thành sợi tơ. Khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức, nằm yên trong kén và biến thành nhộng. Lúc này, người ta có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ.

Tằm tạo kén được một tuần thì bắt đầu ươm tơ, quá trình này phải hoàn thành trong vòng 5 ngày, nếu không nhộng tằm sẽ biến thành ngài và cắn lớp vỏ kén để chui ra.

Kén được cho vào nước sôi và khuấy đều để mềm và bong ra lớp vỏ ngoài. Sau đó, người thợ tìm liên kết của sợi tơ và kéo 10 sợi tơ lại thành một, rồi quấn vào con quấn tơ chuyên dụng để kéo thành tơ thô.

(Nguồn: Sưu tầm)

Dệt lụa

Từ những sợi tơ thô được tạo ra, quá trình dệt lụa bắt đầu. Độ dày hay mỏng của thành phẩm lụa sẽ phụ thuộc vào số lượng sợi xe. Người thợ sẽ tinh chỉnh số lượng sợi tơ trong mỗi sợi xe để tạo ra các loại lụa với độ dày mỏng khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng.

(Nguồn: Sưu tầm)

Nhuộm màu

Thành phẩm lụa sau khi dệt ra có màu trắng ngà tự nhiên của tơ. Sau đó, lụa được đem nhuộm màu theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường. Vải lụa có thể được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên từ vỏ cây, lá cây, các loại củ như củ nâu, hoặc bằng phẩm màu công nghiệp.

Ưu điểm của lụa Mã Châu

Lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu có những đặc tính mà các loại vải lụa công nghiệp không thể có được, đó là khả năng thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi, và chống độc tố. Những đặc tính này làm cho lụa Mã Châu trở thành một lựa chọn ưu việt cho các sản phẩm may mặc cao cấp.

Cách đi đến làng lụa

Để đến làng lụa từ Hội An, bạn chỉ cần đi tầm 15,5km theo quốc lộ 1A, đến thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên là sẽ đến nơi.

Nếu bạn xuất phát từ Đà Nẵng, chỉ cần đi theo đường quốc lộ 1A về hướng nam khoảng 30,8 km. Sau đó, rẽ vào ngã 3 huyện Duy Xuyên theo tuyến đường Hùng Vương khoảng 7 phút là sẽ đến nơi.

Có một số phương tiện di chuyển đến làng lụa:

  • Xe buýt công cộng: Bạn có thể sử dụng xe buýt tuyến Nam Phước – Đà Nẵng và ngược lại, đường đi đến làng lụa khá thuận tiện.
  • Xe máy: Nếu bạn muốn tự do di chuyển và thưởng ngoạn cảnh đẹp, thuê xe máy là lựa chọn tốt nhất. Bạn có thể thuê xe máy tại Đà Nẵng hoặc Hội An tùy thuộc vào địa điểm lưu trú của bạn.
  • Xe ô tô: Phương tiện này phổ biến và tiện lợi hơn khi đi cùng từ 3-4 người trở lên. Bạn có thể đặt xe công nghệ hoặc xe taxi có sẵn trên địa bàn.

Mua lụa Mã Châu ở đâu?

Đi du lịch Duy Xuyên, Quảng Nam, đừng quên mua cho mình vài món đồ từ lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu làm quà cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Các sản phẩm từ lụa tơ tằm Mã Châu có chất lượng cực kỳ đẹp, bền và tốt, bao gồm khăn choàng cổ, áo, váy, đầm và nhiều sản phẩm khác. 

Một vài địa chỉ mua lụa uy tín:

  • Làng Lụa Mã Châu

211 Trương Chí Cương, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam

ĐT: 097 900 35 11

  • Silk Weaving

90 Đường 3/2, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam

ĐT: 0389 509 406

  • Silk Village Hội An

Nguyễn Tất Thành – Tp Hội An

Có thể nói, Mã Châu không chỉ là điểm dừng chân tuyệt vời trong chuyến du lịch Quảng Nam, mà còn là điểm đến đầy thú vị cho du khách. Tham quan làng nghề dệt lụa này, du khách sẽ khám phá được rất nhiều điều lý thú liên quan đến nghề ươm tơ và dệt lụa truyền thống lâu đời ở địa phương này. Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội hiểu hơn về quy trình làm lụa, cũng như tìm hiểu về con người nơi làng Mã Châu nổi tiếng.

Tin tức liên quan

Check-in với kiến trúc Thái tại chùa Thiền Lâm Huế
Điểm đến
Check-in với kiến trúc Thái tại chùa Thiền Lâm Huế
Chùa Thiền Lâm chắc chắn không còn xa lạ với người dân cố đô Huế và du khách. Ngôi chùa nổi tiếng với kiến...
Khám phá đảo Ký Ức Hội An hành trình về quá khứ
Điểm đến
Khám phá đảo Ký Ức Hội An hành trình về quá khứ
Đảo Ký ức Hội An là một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm văn hóa độc đáo và không...
Tổng hợp 10 quán ăn sáng ở Đà Nẵng ngon nức tiếng
Ăn Uống
Tổng hợp 10 quán ăn sáng ở Đà Nẵng ngon nức tiếng
Cùng D&K Travel khám phá ngay danh sách 10 quán ăn sáng ở Đà Nẵng ngon,rẻ chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một...
Khám phá Làng đá mỹ nghệ Non Nước
Điểm đến
Khám phá Làng đá mỹ nghệ Non Nước
Làng đá mỹ nghệ Non Nước là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng, nơi lưu giữ và phát triển nghề...