Những chiếc đèn lồng Hội An rực rỡ sắc màu của thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh check-in của du khách, trở thành biểu tượng không thể thiếu của phố Hội. Không chỉ mang vẻ đẹp đặc trưng của phố cổ, đèn lồng còn gắn liền với văn hóa truyền thống lâu đời của nơi đây. Hãy cùng D&K Travel khám phá nét đẹp đặc trưng riêng có của những chiếc đèn lồng Hội An nhé!
Giới thiệu về đèn lồng Hội An
Không chỉ riêng Hội An, đèn lồng là sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống, được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Chúng xuất hiện phổ biến trong các nhà hàng, lễ hội, và không gian gia đình, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền hay Tết Trung thu, trở thành vật trang trí quen thuộc và mang giá trị văn hóa sâu sắc.
Tại Hội An, đèn lồng mang ý nghĩa tỏa sáng, biểu trưng cho con người và sự kết nối với thần linh. Người dân xứ Quảng coi ánh đèn như biểu tượng của sự bảo vệ và che chở từ các thần linh vô hình khi dâng đèn tại điện thờ. Đồng thời, màu sắc của đèn lồng cũng chứa đựng những thông điệp riêng, như đèn đỏ tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng.
Đèn lồng Hội An nổi bật bởi sự đa dạng về mẫu mã và kiểu dáng. Trên mỗi chiếc đèn, các chi tiết hoa văn và màu sắc được chăm chút tỉ mỉ, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật vừa đẹp mắt, vừa đậm chất văn hóa.
Khám phá làng nghề đèn lồng Hội An
Để tạo nên những chiếc đèn lồng Hội An đẹp mắt và đầy sức hút, người nghệ nhân cần sự khéo léo, kinh nghiệm và sự chăm chút tỉ mỉ. Từng công đoạn, từ chọn nguyên liệu đến hoàn thiện, đều được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.
Nguyên liệu làm đèn lồng
- Tre: Loại tre già, tươi được chọn kỹ để tránh mối mọt. Sau đó, tre được nấu và ngâm trong nước muối khoảng 10 ngày, tiếp tục phơi khô và vát mỏng theo yêu cầu từng mẫu đèn lồng.
- Vải bọc: Thường là lụa tơ tằm hoặc vải xoa. Vải không chỉ quyết định màu sắc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ánh sáng của đèn, vì vậy quá trình lựa chọn được thực hiện rất kỹ lưỡng.
Quy trình làm đèn lồng
- Tạo khung: Sử dụng nan tre để định hình khung, các mối nối được cố định bằng dây dù để đảm bảo độ chắc chắn.
- Bọc vải: Vải được cắt theo kích thước phù hợp, sau đó bôi keo và dán tỉ mỉ quanh khung. Phần vải thừa được cắt gọn gàng để chiếc đèn lồng hoàn thiện hơn.
- Trang trí: Người nghệ nhân vẽ hoa văn hoặc họa tiết lên đèn lồng, tạo điểm nhấn độc đáo và mang đậm nét văn hóa địa phương.
Sự công phu và tinh xảo trong từng bước đã làm nên giá trị đặc biệt của đèn lồng Hội An, không chỉ là một món đồ trang trí mà còn là biểu tượng văn hóa truyền thống đầy tự hào.
Lễ hội đèn lồng Hội An
Nguồn gốc và ý nghĩa
Vào thế kỷ 16-17, Hội An từng là một thương cảng lớn, sầm uất và phồn vinh, thu hút thương nhân từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là người Hoa. Khi đến đây, họ mang theo nét văn hóa bản địa của mình, trong đó có thói quen treo những chiếc lồng đèn đầy màu sắc trước nhà để cầu may mắn và bình an. Dần dần, người dân địa phương học theo và biến phong tục này thành nét đặc trưng, góp phần tạo nên hình ảnh độc đáo của phố cổ Hội An như ngày nay.
Đến năm 1988, chính quyền địa phương đã khởi xướng lễ hội đèn lồng Hội An, tổ chức vào những đêm rằm hàng tháng, hay còn gọi là lễ hội hoa đăng. Sự kiện này không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn tạo dấu ấn sâu đậm, đưa phố cổ Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thời gian lễ hội
Lễ hội đèn lồng được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng, với đêm rằm Trung thu là dịp lung linh và đẹp nhất trong năm. Trong thời gian lễ hội diễn ra, toàn bộ ánh đèn điện từ các ngôi nhà cổ và hàng quán đều được tắt đi, cùng với việc cấm các phương tiện giao thông lưu thông trong khu vực để giữ không gian yên bình, tĩnh lặng và cổ kính.
Dọc theo từng con phố, hàng loạt lồng đèn đủ màu sắc rực rỡ được treo khắp nơi, từ hiên nhà đến những lối đi, tạo nên một khung cảnh huyền ảo và mê hoặc. Lễ hội bắt đầu từ 18h và kéo dài đến 22h, khi màn đêm buông xuống, ánh sáng của những chiếc đèn lồng càng trở nên lộng lẫy và quyến rũ.
Trong khu vực náo nhiệt nhất, đoạn ven sông giữa chùa Cầu và cầu Hội An, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn, hoàn toàn miễn phí. Không gian lễ hội trở nên sống động với các điệu múa truyền thống, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật từ các võ đường chuyên nghiệp, và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc từ các nghệ sĩ tài năng. Tất cả hòa quyện tạo nên một đêm hội đầy màu sắc và âm thanh, khiến bất kỳ ai có mặt cũng không khỏi say đắm.
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội
Nếu bạn tham gia lễ hội đèn lồng Hội An vào dịp Tết Nguyên Đán, bạn sẽ có cơ hội tham gia các cuộc thi trang trí đèn lồng và chiêm ngưỡng những màn pháo hoa rực rỡ, đầy màu sắc. Còn trong dịp Trung Thu, lễ hội trở nên đặc biệt hơn với các hoạt động truyền thống như bày mâm cỗ cúng trăng và các trò chơi dân gian vui nhộn như kéo co hay bài chòi.
- Thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hoài thơ mộng.
Với chỉ 5.000 đến 10.000 đồng, bạn có thể sở hữu một chiếc đèn hoa đăng xinh xắn, được làm thủ công bởi các nghệ nhân địa phương. Những chiếc đèn rực rỡ với ánh nến lung linh nhấp nhô theo dòng nước không chỉ tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp mà còn mang theo những điều ước, lời cầu nguyện cho sự may mắn, hạnh phúc, và bình an.
- Thưởng thức nền ẩm thực đặc sắc của Hội An
Bên cạnh những hoạt động văn hóa, bạn đừng quên dành thời gian khám phá ẩm thực đặc trưng của Hội An. Thưởng thức một tô cao lầu đậm đà, mì Quảng thơm ngon, hoặc cầm trên tay một chiếc bánh mì trứ danh hay ly nước mót mát lạnh. Ngồi ở các quán ven đường hay vừa đi dạo vừa thưởng thức sẽ giúp bạn cảm nhận rõ nét hơn sự bình dị và gần gũi của người dân phố Hội, tất cả với mức giá vô cùng dễ chịu.
Vẻ đẹp bình dị mà duyên dáng, mang nét cao sang đầy cuốn hút, đèn lồng Hội An chính là biểu tượng hội tụ tinh hoa văn hóa và con người nơi đây. D&K Travel tin rằng, phố đèn lồng Hội An sẽ là điểm nhấn hoàn hảo, để lại dấu ấn khó quên trong hành trình khám phá phố cổ của bạn!