Bánh nổ xứ Quảng là một món quà mang đậm chất vùng miền dành tặng người thân, bạn bè khi bạn đặt chân tới vùng đất này. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được cái dẻo bùi của nếp, vị ngọt thanh của đường quyện trong hương gừng thơm dìu dịu. Điều này giúp ta thấm thía hết cái ngon thanh đạm mà vương vấn của thức quà quê giản dị này. Hãy cùng D&K Travel tìm hiểu về món đặc sản xứ Quảng này nhé!

Đôi nét về bánh nổ

Bánh nổ không chỉ là món ăn ưa chuộng của người dân xứ Quảng mà đã trở thành loại bánh vang danh khắp mọi miền đất nước. Mỗi chiếc bánh được tạo ra là bao tâm huyết của người làm bánh đặt vào đó. Không những thế, những chiếc bánh đều gói gọn tinh túy của hương đồng gió nội và tinh hoa của đất trời xứ Quảng.

So với trước đây, bạn chỉ được thưởng thức bánh vào các dịp lễ, Tết, thì giờ đây bạn có thể thưởng thức đặc sản này ở bất cứ đâu và bất kể thời gian nào.

Do nhu cầu ngày càng cao, cách làm truyền thống không đáp ứng đủ nên hình thức sản xuất công nghiệp đã ra đời. Mặc dù sản xuất công nghiệp không thể so sánh về độ ngon với cách làm truyền thống, nhưng chất lượng bánh vẫn được đảm bảo. Với phương pháp này, việc sản xuất số lượng lớn trở nên dễ dàng hơn, đồng thời mang thêm thu nhập cho người dân xứ Quảng.

Đôi nét về bánh nổ (Nguồn: Sưu tầm)

Ý nghĩa tên bánh

Bánh nổ, món ăn đã đi vào tiềm thức của biết bao người con xứ Quảng. Không ai biết chính xác món bánh này đã xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã có từ rất lâu, từ cái thời mà lũ trẻ chỉ được thưởng thức hương vị thơm ngon của nó khi Tết đến.

Tên gọi “bánh nổ” xuất phát từ âm thanh vui tai khi rang nếp trên chảo nóng, tạo ra những tiếng nổ tanh tách. Trong quá trình nổ, những hạt nếp trở thành những hạt cốm trắng ngần, đẹp mắt. Chính từ những tiếng nổ ấy mà bánh nổ được hình thành.

Mặc dù món bánh này có vẻ mộc mạc và đơn sơ, nhưng nó chứa đựng nhiều tinh túy. Đó là những hạt nếp mẩy, to tròn và thơm phức, kết hợp với những lát gừng mang đến vị cay the cho bánh. Tất cả những yếu tố này đều thân quen, tạo nên một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi người dân xứ Quảng.

(Nguồn: Sưu tầm)

Quy trình làm bánh

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu để tạo ra những chiếc bánh nổ xứ Quảng chuẩn giòn, ngọt, thơm ngon rất đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • Nếp ngự: Chọn những hạt nếp tròn và mẩy để đảm bảo độ giòn và hương vị đặc trưng.
  • Gừng: Chọn gừng sẻ để tạo hương thơm và vị cay đặc biệt cho bánh.
  • Đường: Chọn đường cát trắng để bánh có vị ngọt thanh và màu sắc đẹp mắt.

Cách làm bánh

Để có những chiếc bánh nổ ngon nhất, người thợ làm bánh sẽ chọn nếp từ vụ trước, bởi nếp cũ sẽ cho ra những chiếc bánh ngon hơn.

Trước khi rang, nếp sẽ được đem ra phơi lại một lần nữa cho thật khô. Điều này giúp nếp nổ to và bung ra đẹp hơn khi rang. Sau khi đã phơi khô, người ta tiến hành rang nếp trên bếp than hồng. Khi những vỏ trấu đã bung ra hết, sẽ lộ ra những bông nếp trắng ngần, giòn tan. Sau khi đã xẩy sạch lớp vỏ trấu, tiến hành cho phần bông nếp vào khuôn làm bánh.

Sau khi đã cố định các hạt bông nếp trong khuôn hình chữ nhật, người làm bánh sẽ cho phần nước đường đã thắng cùng gừng vào khuôn bánh.

Đợi một khoảng thời gian cho bánh khô, sau đó tháo cây bánh ra khỏi khuôn và nướng lại trên than hồng để phần đường khô hơn. Cuối cùng, dùng dao cắt bánh thành từng miếng nhỏ vừa ăn và bỏ vào túi bóng để bảo quản.

(Nguồn: Sưu tầm)

Cách thưởng thức bánh ngon đúng điệu

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có những cách thưởng thức bánh nổ khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là hai cách ăn mà D&K Travel gợi ý sau đây.

Ăn trực tiếp

Đây là cách được nhiều người lựa chọn nhất. Khi thưởng thức trực tiếp, bạn có thể cảm nhận trọn vẹn vị giòn thơm của nếp, vị ngọt thanh hòa quyện giữa gừng và đường. Cắn một miếng bánh giòn tan trong miệng, hương vị thơm ngon lan tỏa, để lại chút ngọt thanh nơi cuống họng, thật sự là một trải nghiệm thú vị.

Thưởng thức cùng nước trà

Vào những ngày Lễ Tết, khung cảnh những đĩa bánh nổ bên cạnh những tách trà trở nên rất quen thuộc. Với món bánh này, phải thưởng thức từ từ mới cảm nhận hết vị ngon của nó.

Thưởng thức một chiếc bánh giòn thơm, hớp thêm một ngụm trà nóng và cùng trò chuyện với người thân, bạn bè thì còn gì thú vị hơn. Đây là cách mà những người già thường cùng nhau thưởng thức và hàn huyên vào những lúc rảnh rỗi. Một chiếc bánh giòn thơm, một tách trà nóng, và câu chuyện thân tình, tạo nên những khoảnh khắc thật đáng nhớ.

(Nguồn: Sưu tầm)

Cách bảo quản bánh

Bánh chỉ để được trong vòng 6 tháng, nên khi mua về thưởng thức bạn nên chú ý đến thời hạn sử dụng để đảm bảo chất lượng của bánh. Hãy sử dụng bánh trong khoảng thời gian này để tránh ảnh hưởng đến hương vị và độ ngon của bánh.

Để tránh làm hư hỏng bánh, bạn nên bảo quản bánh ở những nơi khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Việc này sẽ giúp bánh giữ được độ giòn và hương vị thơm ngon lâu hơn.

Địa chỉ mua bánh uy tin

Hiện nay, món bánh này không chỉ gói gọn trong tỉnh Quảng Nam mà còn được góp mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên mọi miền Tổ quốc.

Từ Bắc chí Nam, bạn đều có thể bắt gặp món đặc sản bánh nổ. Vì vậy, nếu bạn đang ở một tỉnh thành nào khác mà không phải ở Quảng Nam, bạn vẫn có thể tìm mua bánh này ở các siêu thị, cửa hàng tạp hoá hoặc các cửa hàng đặc sản vùng miền.

Riêng với những người đi du lịch Quảng Nam, việc tìm mua loại bánh này khá dễ dàng. Bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi như chợ, cửa hàng tạp hóa (dù lớn hay nhỏ), siêu thị, v.v. Nếu bạn muốn mua sỉ trực tiếp từ lò làm bánh, bạn có thể đến làng Tân Thọ – nơi nổi tiếng với bánh nổ ngon tại Quảng Nam. Ngoài ra, tại đây bạn cũng có thể tìm mua các loại bánh truyền thống khác của vùng đất này

Tin tức liên quan

Ghé thăm làng truyền thống bánh khô mè Cẩm Lệ
Đặc sản
Ghé thăm làng truyền thống bánh khô mè Cẩm Lệ
Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ ở Đà Nẵng nổi bật với quy trình sản xuất bánh thủ công tỉ mỉ. Đây là...
Khám phá hương vị đặc sắc của bánh ram ít Huế
Ăn Uống
Khám phá hương vị đặc sắc của bánh ram ít Huế
Bánh ram ít là một món ăn dân dã quen thuộc với người dân Huế. Khi nhắc đến ẩm thực Huế, khó ai có...
Bỏ túi ngay 10 địa chỉ bán tôm chua Huế uy tín, chuẩn vị
Ăn Uống
Bỏ túi ngay 10 địa chỉ bán tôm chua Huế uy tín, chuẩn vị
Mắm tôm chua Huế, tuy là một món ăn dân dã, nhưng lại ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng những ai từng thưởng...
Thưởng thức hến xúc bánh tráng món ăn đậm chất Cố đô
Ăn Uống
Thưởng thức hến xúc bánh tráng món ăn đậm chất Cố đô
Hến xúc bánh tráng là một món ăn dân dã, bắt nguồn từ miền Trung đầy nắng và gió. Không chỉ giúp bồi bổ...